Tìm kiếm

Dịch vụ du lịch

Dịch vụ du lịch

Pleiku phấn đấu đón 1 triệu lượt du khách trong năm 2024

Chiều 15-1, UBND TP. Pleiku tiến hành hội nghị tổng kết công tác tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch năm 2023, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024.

Năm 2023, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của TP. Pleiku đạt nhiều kết quả khả quan với các nội dung, phương pháp đa dạng, phong phú, phát huy được ưu thế của địa phương. Trong năm 2023, thành phố đón trên 825 ngàn lượt khách, tăng 37,8% so với năm 2022 (trong đó, khách quốc tế 6.750 lượt). Doanh thu từ du lịch đạt 637,5 tỷ đồng, tăng 42,2% so với năm 2022.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Trần Dung

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Trần Dung

Ngoài việc tăng cường hợp tác tuyên truyền các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch diễn ra trên địa bàn, thành phố còn phối hợp với Báo Gia Lai tổ chức cuộc thi viết “Pleiku-Cao nguyên xanh vì sức khỏe”. Qua đó, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh và góp phần tham mưu, đề xuất giúp chính quyền thành phố các giải pháp, định hướng phát triển du lịch trên địa bàn.

Đặc biệt, năm 2023, thành phố đã chủ trì, phối hợp với 4 thành phố gồm: Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak), Kon Tum (tỉnh Kon Tum), Gia Nghĩa (tỉnh Đak Nông) và TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) tổ chức ngày hội quảng bá và kết nối du lịch các thành phố vùng Tây Nguyên với phố biển Tuy Hòa; tổ chức Ngày hội Văn hóa-Du lịch TP. Pleiku; Giải chạy bộ “Gia Lai City Trail 2023-Giấc mơ đại ngàn”; các hoạt động giao lưu, sinh hoạt cồng chiêng, chương trình nghệ thuật chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước tại Quảng trường Đại Đoàn Kết...

Cùng với đó, thành phố đã đầu tư một số hạng mục phục vụ du lịch; triển khai các dự án hạ tầng đã được phê duyệt và tiếp tục hoàn thành các dự án hạ tầng; hướng dẫn, hỗ trợ một số địa phương xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch cộng đồng; tập trung công tác xúc tiến thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển các điểm du lịch trên địa bàn; xây dựng 2 làng văn hóa nông thôn mới (làng Brel, xã Biển Hồ và làng Wâu, xã Chư Á); phối hợp với Hiệp hội du lịch Gia Lai xây dựng các tour du lịch cộng đồng đưa du khách trải nghiệm cuộc sống văn hóa, phong tục của người dân tộc thiểu số.

UBND TP. Pleiku khen thưởng các tập thể có thành tích tốt trong công tác tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch năm 2023. Ảnh: Trần Dung
UBND TP. Pleiku khen thưởng các tập thể có thành tích tốt trong công tác tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch năm 2023. Ảnh: Trần Dung

Tại hội nghị, đa số các đại biểu cho rằng, để đạt được mục tiêu phấn đấu năm 2024 có tổng lượt khách tham quan, du lịch đến TP. Pleiku đạt 1 triệu lượt và tổng doanh thu từ hoạt động du lịch dự kiến đạt 559,45 tỷ đồng thì thành phố cần tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác quản lý nhà nước; khuyến khích, kêu gọi và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ và đóng góp kinh phí cho sự nghiệp phát triển du lịch; đi sâu, đi sát cơ sở để nghiên cứu tìm biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng mô hình điểm về phát triển du lịch đối với từng vùng, địa phương phù hợp…

Dịp này, UBND TP. Pleiku đã biểu dương, khen thưởng 30 tập thể và 50 cá nhân có thành tích tốt trong công tác tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch năm 2023.

 

TRẦN DUNG

Các thành phố ở Tây Nguyên và Tuy Hòa kết nối phát triển du lịch

Trong khuôn khổ Ngày hội Quảng bá và kết nối du lịch các thành phố ở Tây Nguyên với TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), sáng 15-7, tại TP. Tuy Hòa đã diễn ra Hội nghị xúc tiến phát triển du lịch. Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, đề ra các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển ngành du lịch của các địa phương.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo một số sở, ngành của các tỉnh và 5 thành phố gồm: Pleiku (tỉnh Gia Lai), Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak), Kon Tum (tỉnh Kon Tum), Gia Nghĩa (tỉnh Đak Nông), Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên); lãnh đạo Hiệp hội Du lịch các tỉnh cùng nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh du lịch ở các địa phương.

Các thành phố ở Tây Nguyên và Tuy Hòa kết nối phát triển du lịch  ảnh 1

Quang cảnh hội nghị xúc tiến du lịch. Ảnh: Quang Tấn

Bàn giải pháp kết nối rừng-biển

Phát biểu đề dẫn, Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku Nguyễn Hữu Sung nhấn mạnh: Sau một năm ký kết hợp tác phát triển du lịch của TP. Tuy Hòa với các thành phố ở Tây Nguyên, du lịch các địa phương ở Tây Nguyên đã đạt được rất khả quan như lượng du khách tăng cao, hình ảnh phố núi Pleiku và các thành phố được du khách trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn... Tuy nhiên, du lịch của các thành phố ở Tây Nguyên (trừ Đà Lạt) vẫn còn gặp không ít khó khăn và thách thức. Thông qua hội nghị lần này, TP. Pleiku mong muốn cùng các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm quản lý Nhà nước về du lịch; tập trung thảo luận, đề ra các giải pháp liên kết du lịch của 5 thành phố. Đồng thời, có giải pháp, cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch của 5 địa phương phát triển cũng như tạo điều kiện gắn kết trong hệ thống kinh doanh lữ hành, lưu trú, vận chuyển khách du lịch ở 5 thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku cho biết thêm: Pleiku có tiềm năng, lợi thế to lớn về đất đai, khoáng sản, tài nguyên và hệ động-thực vật đa dạng, phong phú. Nằm ở độ cao trung bình từ 750-800 m so với mực nước biển, Pleiku được thiên nhiên ban phú với khí hậu mát mẻ trong lành cùng nhiều cảnh quan độc đáo. Đặc biệt, với nhiều mảng cây xanh đã được địa phương chú trọng phát triển với những vành đai nông, lâm nghiệp xung quanh thành phố. Đây cũng là điều ấn tượng của du khách khi đến với phố núi Pleiku.

Các thành phố ở Tây Nguyên và Tuy Hòa kết nối phát triển du lịch  ảnh 2

Ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Tấn

Bên cạnh đó, Pleiku có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, cùng với các loại hình văn hóa truyền thống lâu đời của cộng đồng các dân tộc bản địa. Đặc biệt, Pleiku còn được biết đến với các dấu tích của miệng núi lửa âm (Biển Hồ) và miệng núi lửa dương (núi Hàm Rồng) đã tắt từ hàng triệu năm. Đây là những tiềm năng để TP. Pleiku phát triển các ngành kinh tế công nghiệp, thương mại dịch vụ, nông lâm nghiệp và phát triển du lịch.

“Chúng tôi hy vọng rằng sau hội nghị này, các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch của 5 thành phố sẽ có những nhận thức đúng hơn, tích cực hơn, cùng đồng hành trong việc liên kết phát triển du lịch, quảng bá, giới thiệu hình ảnh địa phương, để lại những ấn tượng đẹp trong lòng du khách”-ông Nguyễn Hữu Sung kỳ vọng.

Ông Hồ Sỹ Tiến-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Phú Yên cho rằng: Để phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đối với tỉnh Phú Yên nói riêng cũng như các địa phương khác ở Tây Nguyên nói chung là một chặng đường còn rất gian nan và nhiều thách thức. Do đó, việc các thành phố ở Tây Nguyên và TP. Tuy Hòa phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch như thế này là rất ý nghĩa và cần thiết. Mỗi địa phương có một thế mạnh, sản phẩm du lịch đặc trưng riêng. Chính vì vậy, qua những đợt xúc tiến du lịch như thế này sẽ tạo cầu nối, giúp doanh nghiệp của các địa phương kết nối, liên kết với nhau để phát huy thế mạnh du lịch của từng thành phố.

Các thành phố ở Tây Nguyên và Tuy Hòa kết nối phát triển du lịch  ảnh 3

Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đỗ Việt Hưng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Tấn

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Phú Yên đề nghị: “Qua đây, tôi cũng đề nghị lãnh đạo các thành phố xem xét, nghiên cứu trong những lần tổ chức tiếp theo cần tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả đạt được cũng như nhìn nhận, đề ra các giải pháp khắc phục những tồn tại trong hợp tác phát triển du lịch của 5 thành phố. Đồng thời, đề nghị các đồng chí lãnh đạo 5 thành phố quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch hoạt động tốt hơn nhằm tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới lạ hơn để thu hút du khách thập phương. Trong đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của các chợ đêm, không chỉ giới thiệu các món ẩm thực, sản phẩm quà lưu niệm mà cần quan tâm đến không gian văn hóa đặc trưng của địa phương để níu kéo du khách”.

Các thành phố ở Tây Nguyên và Tuy Hòa kết nối phát triển du lịch  ảnh 4

Chủ tịch UBND TP. Tuy Hòa Cao Đình Huy cam kết tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới. Ảnh: Quang Tấn

Còn bà Trương Thị Phương Nga (Công ty TNHH Thương mại-Du lịch sinh thái Gia Lai) cho hay: “Chúng tôi kỳ vọng sau hội nghị sẽ có những liên kết, kết nối thật sự giữa các địa phương để gắn liền con đường rừng xanh-biển bạc. Để giấc mơ trở thành hiện thực, tôi mong muốn Hiệp hội Du lịch các các tỉnh cũng như lãnh đạo các địa phương cần quan tâm làm đầu mối kết nối với các doanh nghiệp du lịch thông qua nhóm zalo để cùng quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch của mình. Chẳng hạn như vào những tháng mùa hè chúng tôi có thể kết nối các tour du lịch từ các tỉnh Tây Nguyên xuống phố biển Tuy Hòa, ngược lại các tỉnh miền Trung và TP. Tuy Hòa đến Tây Nguyên để tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ. Đặc biệt, TP. Pleiku hiện đang xây dựng, hướng đến thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe” sẽ là điểm đến thú vị cho du khách ở vùng biển như Tuy Hòa”.

Tạo liên kết vùng trong phát triển du lịch

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của mỗi địa phương trong thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đỗ Việt Hưng cho rằng: Chúng ta không chỉ dừng lại ở việc kết nối giữa 5 thành phố mà thời gian tới cần mở rộng hơn nữa, tăng cường kết nối hơn nữa ở các đô thị duyên hải miền Trung. Để làm được, chúng ta cần làm tốt hơn nữa công tác phối hợp để cùng tổ chức các sự kiện về văn hóa, thể thao, du lịch và thường xuyên có thông tin trao đổi với nhau nhằm hướng đến mục tiêu kết nối phát triển du lịch các địa phương. Tôi cũng thống nhất với ý kiến của các đại biểu về việc tổ chức một hội nghị đánh giá chuyên sâu hơn về kết quả đạt được cũng như đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tồn tại trong liên kết phát triển du lịch của các địa phương để xây dựng những phương án, định hướng phát triển thiết thực hơn, hiệu quả hơn.

Các thành phố ở Tây Nguyên và Tuy Hòa kết nối phát triển du lịch  ảnh 5

Ông Hồ Sỹ Tiến-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Phú Yên tham gia ý kiến tại hội nghị xúc tiến du lịch. Ảnh: Quang Tấn

“Bên cạnh đó, thời gian tới, thành phố tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch hoạt động, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Đồng thời, chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là vấn đề giao thông nhằm tạo thuận lợi trong di chuyển kết nối, tiết kiệm thời gian của du khách đến với Tây Nguyên và vùng duyên hải miền Trung. Với quyết tâm chính trị cao, tôi tin rằng, chúng ta sẽ tạo nên một khối liên kết phát triển du lịch bền vững, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là du lịch nhằm xây dựng các thành phố ngày càng tươi đẹp, phát triển về mọi mặt, để lại những ấn tượng đẹp trong lòng du khách”-Chủ tịch UBND TP. Pleiku nhấn mạnh.

Tại hội nghị, lãnh đạo một số sở, ngành của các tỉnh và 5 thành phố đã chứng kiến lễ ký kết hợp tác phát triển du lịch của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch của các địa phương. Đồng thời, lãnh đạo TP. Pleiku cũng đã trao cờ cho TP. Kon Tum-đơn vị đăng cai tổ chức Ngày hội Quảng bá và kết nối du lịch năm 2024.

Các thành phố ở Tây Nguyên và Tuy Hòa kết nối phát triển du lịch  ảnh 6

Ký kết hợp tác du lịch giữa các doanh nghiệp du lịch của 5 thành phố. Ảnh: Quang Tấn

Còn ông Cao Đình Huy-Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Tuy Hòa khẳng định: Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa, góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch, kết nối giữa TP. Tuy Hòa với các thành phố ở Tây Nguyên. Sau thành công ở lần tổ chức đầu tiên trong năm 2022 tại TP. Pleiku, lượng du khách ở khu vực Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung đến với Tuy Hòa tăng đột biến. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2023, lượng khách đến với Tuy Hòa tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Chủ tịch UBND TP. Tuy Hòa cho hay: “Mỗi thành phố đều có thế mạnh riêng của mình, việc chúng ta kết nối, cùng nhau hợp tác tạo nên ngành du lịch phát triển bền vững, có sự liên kết vùng. Qua những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị xúc tiến du lịch hôm nay, chúng tôi sẽ rà soát lại, đánh giá lại hoạt động du lịch của địa phương; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp du lịch Tuy Hòa có thể kết nối, hợp tác với doanh nghiệp các thành phố ở Tây Nguyên, khai thác có hiệu quả hoạt động du lịch”.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết: Những năm gần đây, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm phát triển ngành du lịch. Hoạt động kết nối du lịch không chỉ diễn ra ở cấp tỉnh trong khu vực mà việc các thành phố-trung tâm hạt nhân về phát triển du lịch của các tỉnh cũng quan tâm tổ chức các hoạt động kết nối du lịch. Từ đó, tạo ra những cơ chế, điều kiện rất cụ thể, đầu tư rất bài bản ở các cơ sở về du lịch để làm sao thu hút được nhiều khách hơn nữa đến với từng địa phương. Mong rằng, lãnh đạo 5 thành phố tiếp tục quan tâm tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp du lịch lữ hành của các địa phương phát triển, mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa cho các thành phố.

QUANG TẤN
TRẦN DUNG

Pleiku triển khai kế hoạch Ngày hội kết nối du lịch các thành phố ở Tây Nguyên tại thành phố Tuy Hòa

Chiều 2-6, UBND TP. Pleiku tổ chức cuộc họp trực tuyến với các thành phố: Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak), Kon Tum (tỉnh Kon Tum), Gia Nghĩa (tỉnh Đak Nông) để bàn về các nội dung liên quan đến Ngày hội quảng bá và kết nối du lịch các thành phố ở Tây Nguyên tại TP. Tuy Hòa năm 2023.

 

Pleiku triển khai kế hoạch Ngày hội kết nối du lịch các thành phố ở Tây Nguyên tại thành phố Tuy Hòa  ảnh 1

Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu UBND TP. Pleiku. Ảnh: Bá Bính

Ngày hội được tổ chức nhằm tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về miền đất, văn hóa, con người và tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên nói chung và các thành phố: Pleiku, Buôn Ma Thuột, Kon Tum, Gia Nghĩa, Tuy Hòa nói riêng để thu hút các nhà đầu tư, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch của mỗi địa phương.

Ủy ban nhân dân TP. Pleiku đã xây dựng kế hoạch tổ chức Ngày hội quảng bá và kết nối du lịch các thành phố ở Tây Nguyên tại TP. Tuy Hòa trong 3 ngày (từ ngày 7 đến 9-7), với các hoạt động chính: Lễ dâng hoa, dâng hương Đài tưởng niệm núi Nhạn và Di tích Đài tưởng niệm Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; lễ khai mạc; hội chợ trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa, du lịch, ẩm thực tiêu biểu và sản phẩm OCOP; triển lãm tranh, ảnh giới thiệu các thành tựu về kinh tế, văn hóa, du lịch của 5 thành phố; hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch; đêm sắc màu âm nhạc; âm vang cồng chiêng Tây Nguyên; khảo sát tour du lịch trải nghiệm TP. Tuy Hòa và lễ bế mạc. Nguồn kinh phí tổ chức từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa của 5 thành phố tham gia.

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo 5 thành phố xác định việc tăng cường công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch gặp gỡ, giao lưu, hợp tác kinh doanh, cung cấp, trao đổi sản phẩm du lịch tạo chuỗi giá trị gia tăng, kết nối du lịch giữa các thành phố cùng phát triển.

Cùng với đó, các địa phương đã cùng trao đổi bổ sung hoàn chỉnh thêm kế hoạch Ngày hội quảng bá và kết nối du lịch các thành phố ở Tây Nguyên tại TP. Tuy Hòa năm 2023 và thống nhất cao với kế hoạch mà UBND TP. Pleiku đã xây dựng để triển khai trong thời gian tiếp theo.

 

BÁ BÍNH

Khai mạc Tuần văn hoá-du lịch tỉnh Gia Lai

Tối 22-12, Tuần văn hoá-du lịch tỉnh Gia Lai lần thứ nhất đã khai mạc tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku).

Dự lễ khai mạc, về phía tỉnh Gia Lai có bà Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo UBND TP. Pleiku và các sở, ban, ngành, đoàn thể. Về phía Trung ương có bà Lê Minh Thu-Phó giám đốc Trung tâm thẩm định chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); đại diện lãnh đạo các Sở Du lịch Bình Định, Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch Kon Tum.

 

Cắt băng khai mạc tuần văn hoá-du lịch tỉnh Gia Lai năm 2022
Cắt băng khai mạc tuần văn hoá-du lịch tỉnh Gia Lai năm 2022. Ảnh: Hoàng Ngọc 

 

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai, Trưởng ban tổ chức nhấn mạnh, sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Gia Lai đã chủ động trong khôi phục hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch, thương mại thông qua nhiều sự kiện. Tuần văn hóa-du lịch tỉnh Gia Lai năm 2022 góp phần quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trên các lĩnh vực như: nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến và du lịch, đồng thời giới thiệu, tôn vinh quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm chủ lực địa phương, OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Gia Lai đến với người dân trong và ngoài tỉnh.

 

Trao cúp tôn vinh danh hiệu doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2021. Ảnh Hoàng Ngọc
 Tôn vinh danh hiệu doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2021. Ảnh: Hoàng Ngọc

 

Tại lễ khai mạc, 3 đơn vị là Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty cổ phần chè Biển hồ, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Hoa Trang được tôn vinh danh hiệu doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2021 do Bộ Công Thương bình chọn; công bố quyết định, trao văn bằng chỉ dẫn địa lý cho “cà phê Gia Lai”; nhãn hiệu chứng nhận “chanh dây Gia Lai”, “chôm chôm Ia Grai”; trao giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu phở khô Gia Lai cho các tổ chức, cá nhân.

 

Traoo văn bằng bảo hộ và. và chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu cho các tổ chức, cá nhân. Ảnh Hoàng Ngọc
Trao văn bằng bảo hộ, chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu cho các tổ chức, cá nhân. Ảnh: Hoàng Ngọc

 

Tuần văn hoá-du lịch do Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch, Sở Công thương, Sở Khoa học-Công nghệ và UBND TP. Pleiku phối hợp tổ chức. Trong thời gian từ 22 đến 26-12 sẽ diễn ra nhiều hoạt động như giao lưu ẩm thực vùng miền giữa các địa phương Gia Lai, Đak Lak, Kon Tum, Bình Định, Phú Yên; trình diễn cồng chiêng đường phố, cồng chiêng cuối tuần nhằm giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa Tây Nguyên; phục dựng một số nghi lễ văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố như “Lễ cúng nhà rông (phường Hoa Lư), tái hiện lễ cưới của người Jrai (phường Đống Đa), lễ bỏ mả (phường Yên Đỗ); trưng bày ảnh đẹp giới thiệu các thành tựu về kinh tế, văn hóa và danh thắng của TP. Pleiku nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung.

 

Quang cảnh lễ khai mạc. Ảnh Hoàng Ngọc
Quang cảnh lễ khai mạc. Ảnh: Hoàng Ngọc

 

Trong khuôn khổ sự kiện còn diễn ra hội thảo khoa học “Thực tiễn và giải pháp thúc đẩy bảo vệ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý trên địa bàn tỉnh Gia Lai”; giải Marathon TP. Pleiku gây quỹ “Áo ấm cho em”; hội chợ thương mại giới thiệu sản phẩm địa phương với trên 150 gian hàng.  

 

Tuần văn hóa -du lịch tỉnh là sự kiện đánh dấu sự liên kết của các sở, ngành trên địa bàn tỉnh vì mục tiêu mang đến không khí sôi nổi trong dịp cuối năm, đáp ứng nhu cầu giải trí, mua sắm, thưởng thức ẩm thực vùng miền của người dân và du khách. Sự kiện cũng góp phần nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trong việc bảo vệ và phát triển thương hiệu hàng hóa; quảng bá sâu rộng về xuất xứ địa lý, thương hiệu sản phẩm tiêu biểu của các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

 

Trước đó, chiều 22-12, trên 500 nghệ nhân của TP.Pleiku đã làm người dân và du khách mãn nhãn với màn trình diễn cồng chiêng đường phố mang đậm sắc màu văn hoá. Xuất phát từ Nhà thiếu nhi TP. Pleiku, đoàn nghệ nhân đã trình diễn qua các tuyến đường Hoàng Văn Thụ-Trần Phú-Trần Hưng Đạo về kết thúc tại Quảng trường Đại Đoàn Kết trước Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên.

 

Một vài hình ảnh cồng chiêng đường phố chào mừng Tuần văn hoá-du lịch tỉnh Gia Lai:

 

 

 

 

 

 

 

 

HOÀNG NGỌC

Trao 26 giải cho các tác giả, nhóm tác giả đạt giải Cuộc thi viết về chủ đề "Pleiku-Đất và người"

Chiều 5-12, UBND TP. Pleiku phối hợp với Báo Gia Lai tổ chức lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết về chủ đề “Pleiku-Đất và người” năm 2022 và phát động Cuộc thi viết chủ đề “Pleiku-Cao nguyên xanh vì sức khỏe” và Ảnh đẹp Pleiku năm 2023. 

Dự buổi lễ, về phía TP. Pleiku có các đồng chí: Trần Xuân Quang-Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Pleiku; Đỗ Việt Hưng-Phó Bí thư Thành ủy Pleiku, Chủ tịch UBND TP. Pleiku; Nguyễn Hữu Sung-Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku; đại diện lãnh đạo một số ban, ngành, đoàn thể của thành phố. Về phía Báo Gia Lai có đồng chí Huỳnh Kiên-Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Tổng Biên tập Báo Gia Lai; các đồng chí Phó Tổng Biên tập cùng các cán bộ, phóng viên Báo Gia Lai. Buổi lễ còn có sự tham gia của đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Nhà báo tỉnh, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, các sở, ngành tỉnh, thành phố cùng các tác giả, nhóm tác giả đạt giải Cuộc thi viết về chủ đề “Pleiku-Đất và người”.
 
Ông Trần Xuân Quang (bìa trái)-Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Pleiku và Tổng Biên tập Báo Gia Lai Huỳnh Kiên (bìa phải) trao giải nhất cho các tác giả, nhóm tác giả đạt giải. Ảnh Đức Thụy
Ông Trần Xuân Quang (bìa trái)-Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Pleiku và Tổng Biên tập Báo Gia Lai Huỳnh Kiên (bìa phải) trao giải nhất cho các tác giả, nhóm tác giả đạt giải. Ảnh: Đức Thụy
 
Sau 1 năm phát động, với 2 thể loại báo in và báo hình được đăng tải trên Báo Gia Lai (bản giấy) và Báo Gia Lai điện tử, Cuộc thi viết về chủ đề “Pleiku-Đất và người” năm 2022 đã thu hút trên 100 tác phẩm của đông đảo các nhà báo, văn nghệ sĩ, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân TP. Pleiku nói riêng và cả nước nói chung gửi tham gia. Đây là cuộc thi có chủ đề rộng, hấp dẫn nhằm mang đến cho công chúng cái nhìn toàn diện và thông điệp ý nghĩa về lịch sử phát triển của đô thị có tuổi đời gần 100 năm cũng như diện mạo của một đô thị loại I trực thuộc tỉnh đang phấn đấu thực hiện mục tiêu “TP. Pleiku-Cao nguyên xanh vì sức khỏe”. 
 
Phát biểu tại lễ trao giải, ông Huỳnh Kiên-Tổng Biên tập Báo Gia Lai, Phó Trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết: Tiếp nối thành công từ Cuộc thi viết về chủ đề “Du lịch phố núi Pleiku” năm 2021, Báo Gia Lai phối hợp với UBND TP. Pleiku tổ chức cuộc thi viết về chủ đề “Pleiku-Đất và người” trên Báo Gia Lai. Cuộc thi góp phần tuyên truyền sâu rộng, tạo sự lan tỏa tích cực về các thành tựu chính trị-xã hội, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, tôn vinh về những giá trị văn hóa tốt đẹp của con người Pleiku. Cuộc thi trở thành một kênh để quảng bá tiềm năng lợi thế về lịch sử văn hóa, các sản phẩm du lịch, dịch vụ của TP. Pleiku, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nói chung, kinh tế du lịch nói riêng đến với các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh; giúp nhiều công dân thêm hiểu, thêm yêu phố núi Pleiku. Mỗi bài viết đã đem đến góc nhìn đa chiều, sâu sắc, nhân văn về văn hóa của vùng đất Pleiku, cung cấp cho công chúng nhiều tư liệu quý về lịch sử hình thành, phát triển của khu dân cư, di tích lịch sử-văn hóa cũng như các điểm du lịch nổi tiêng trên địa bàn TP. Pleiku”.
 

 

Ông Đỗ Việt Hưng-Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku phát động cuộc thi viết về chủ đề “Pleiku-Cao nguyên xanh vì sức khỏe” và Ảnh đẹp Pleiku. Ảnh: Đức Thụy
Ông Đỗ Việt Hưng-Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku phát động cuộc thi viết về chủ đề “Pleiku-Cao nguyên xanh vì sức khỏe” và Ảnh đẹp Pleiku. Ảnh: Đức Thụy
Trên cơ sở phân tích những ưu-khuyết điểm trong từng tác phẩm, Ban giám khảo cuộc thi đã chọn 66 tác phẩm báo viết và 15 tác phẩm báo hình vào chung khảo. Kết quả, Ban tổ chức đã chọn 26 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Trong đó, ở thể loại báo in, giải nhất đã được trao cho tác giả Hồng Thi (Báo Gia Lai) với tác phẩm “Từ làng đến…đô thị loại I”; Ban tổ chức còn trao 4 giải nhì, 6 giả ba và 7 giải khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả đạt giải.
 
Ở thể loại báo hình, Ban tổ chức đã trao giải 1 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải ba, 3 giải khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm chất lượng nhất. Trong đó, giải nhất thể loại báo hình được được trao cho nhóm tác giả Hòa Giang-Xuân Trang (Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh) với tác phẩm “Đại sứ” du lịch  Pleiku.
 
Ông Huỳnh Kiên-Tổng Biên tập Báo Gia Lai phát biểu tại lễ trao giải. Ảnh: Đức Thụy
Ông Huỳnh Kiên-Tổng Biên tập Báo Gia Lai phát biểu tại lễ trao giải. Ảnh: Đức Thụy
Dịp này, Chủ tịch UBND TP. Pleiku đã trao giấy khen cho 20 tác giả đã có thành tích xuất sắc trong tham gia Cuộc thi viết về chủ đề “Pleiku-Đất và người” năm 2022.
 
Tiếp nối thành công của Cuộc thi viết về chủ đề “Pleiku-Đất và người”, dịp này, UBND TP. Pleiku phối hợp với Báo Gia Lai đã phát động Cuộc thi viết về chủ đề “Pleiku-Cao nguyên xanh vì sức khỏe” và Ảnh đẹp Pleiku năm 2023. Các tác phẩm dự thi sẽ được Ban tổ chức lựa chọn để đăng tải trên các ấn phẩm của Báo Gia Lai trong năm 2023.
 

 

PHAN LÀI

Kỳ vọng kinh tế đêm ở Gia Lai

Từ hiệu quả mà kinh tế đêm mang lại tại nhiều thành phố du lịch trong cả nước cho thấy, các dịch vụ ẩm thực, giải trí, sinh hoạt văn hóa, mua sắm… diễn ra khi đô thị bắt đầu lên đèn chính là nguồn động lực quan trọng của nền kinh tế. Tại Gia Lai, cơ hội phát triển đang rộng mở khi mới đây, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.

Theo Kế hoạch số 2700/KH-UBND ngày 17-11-2022 của UBND tỉnh, từ năm 2022 đến 2023, Gia Lai sẽ tổ chức và thúc đẩy, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, khai thác kinh tế đêm tại TP. Pleiku, trọng tâm là khu vực suối Hội Phú. Từ năm 2024 đến 2025, trên cơ sở đánh giá kết quả triển khai đầu tư, khai thác, kinh doanh hoạt động, dịch vụ phát triển kinh tế đêm tại TP. Pleiku, tỉnh sẽ hình thành các khu vực tương tự tại thị xã An Khê, Ayun Pa và huyện Chư Sê cũng như một số địa điểm thuận lợi ở các địa phương khác. Sau năm 2025, kinh tế đêm sẽ tiếp tục hình thành tại các huyện còn lại.
 

 

Kinh tế đêm chính là cách thức gia tăng hoạt động trải nghiệm cho du khách khi đến với Gia Lai. Ảnh: Phạm Quý
Kinh tế đêm chính là cách thức gia tăng hoạt động trải nghiệm cho du khách khi đến với Gia Lai. Ảnh: Phạm Quý

 

“Thành phố không ngủ”
 
Với kế hoạch nêu trên, mục tiêu chung mà tỉnh hướng tới là tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách. Cùng với đó, khuyến khích phát triển nhiều ngành nghề/hoạt động mới, đặc biệt là ngành công nghiệp sáng tạo, du lịch, bán lẻ, ẩm thực, đồ uống...; tạo động lực thúc đẩy phát triển dịch vụ công cộng; hướng tới hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại…
 
Trao đổi xung quanh vấn đề này, ông Đỗ Việt Hưng-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-thông tin: Những năm qua, cơ cấu kinh tế thành phố có sự chuyển dịch phù hợp, tăng nhanh tỷ trọng ngành dịch vụ. Các tiềm năng, lợi thế bước đầu được khai thác có hiệu quả; thương mại-dịch vụ phát triển nhanh về quy mô và chất lượng. Hoạt động du lịch có chuyển biến, số lượng khách du lịch và doanh thu tăng lên hàng năm. “Tuy nhiên, kinh tế thành phố tăng trưởng chưa vững chắc, chưa có nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị thương mại cao. Tiềm năng về du lịch chưa được tận dụng, khai thác tốt; hạ tầng phục vụ du lịch còn thiếu, chậm được đầu tư, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Đặc biệt, yêu cầu tổ chức một khu phố đi bộ kết hợp mô hình chợ đêm được đề cập đã lâu nhưng chưa được triển khai”-Chủ tịch UBND TP. Pleiku cho hay.
 
Một góc chợ đêm Pleiku. Ảnh: Phương Duyên
Một góc chợ đêm Pleiku. Ảnh: Phương Duyên
 
Theo ông Hưng, một số thành phố trong nước đã triển khai tổ chức phố đi bộ ban đêm góp phần không nhỏ vào việc nâng cao giá trị văn hóa địa phương, phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại. Do đó, việc quy hoạch và triển khai phát triển kinh tế đêm tại Pleiku theo Kế hoạch số 2700 của UBND tỉnh là nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện. Trong đó, phương án “Khu phố đi bộ-Chợ đêm suối Hội Phú” là nội dung cần nhanh chóng triển khai để góp phần khai thác tốt các hoạt động phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; tôn tạo cảnh quan đô thị; quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống; hình thành không gian giao lưu công cộng hoạt động ban đêm; tạo nét đẹp về văn hóa và văn minh đô thị cho TP. Pleiku. Ủy ban nhân dân TP. Pleiku đã có bản đồ quy hoạch tổ chức không gian “Khu phố đi bộ-Chợ đêm suối Hội Phú” với các hạng mục như: cổng chào, giàn hoa trang trí, khu quảng trường mở, sạp quầy lưu động, cầu cảnh quan, khu nhà phố-gộp thửa kết hợp dịch vụ, khu phố nhà ở kết hợp dịch vụ, khu vực đậu xe, khu trình diễn nghệ thuật đường phố.
 
Chủ tịch UBND TP. Pleiku cho biết thêm: Tới đây, thành phố sẽ xây dựng, phê duyệt quy chế quản lý hoạt động “Khu phố đi bộ-Chợ đêm suối Hội Phú” phù hợp với các quy định hiện hành và điều kiện thực tế; phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch cùng kế hoạch tổ chức triển khai các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Bên cạnh đó, thành phố tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận để người dân tích cực tham gia; đặc biệt là vận động các hộ có đất dọc theo tuyến suối Hội Phú đầu tư theo mô hình nhà ở kết hợp với dịch vụ, thương mại phục vụ phố đi bộ. Nhằm tránh ách tắc giao thông, UBND thành phố sẽ phối hợp với Sở Giao thông-Vận tải phân luồng giao thông vào ban đêm, tổ chức lại các điểm đậu đỗ xe đảm bảo an toàn, thuận tiện; đề xuất hình thức quản lý phù hợp đối với phương tiện giao thông của người dân sinh sống trong tuyến phố đi bộ (phù hiệu riêng, giữ xe miễn phí...) trong thời gian tổ chức hoạt động. Cùng với đó, thành phố chú trọng giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng-chống cháy nổ...
 
Bản đồ quy hoạch tổ chức không gian “Khu phố đi bộ-Chợ đêm suối Hội Phú”, TP. Pleiku (ảnh đơn vị cung cấp).
Bản đồ quy hoạch tổ chức không gian “Khu phố đi bộ-Chợ đêm suối Hội Phú”, TP. Pleiku (ảnh đơn vị cung cấp).
 
Ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: “Theo lộ trình, khu vực suối Hội Phú được chọn thí điểm. Tới đây, Sở sẽ ban hành văn bản đề nghị TP. Pleiku triển khai phát triển kinh tế đêm. Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở, ngành liên quan sẽ tích cực phối hợp thực hiện. Sau khi rút kinh nghiệm, mô hình sẽ được nhân rộng ra một số địa phương khác”. Theo yêu cầu của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm lồng ghép nội dung phát triển kinh tế đêm vào nội dung quy hoạch tỉnh; hướng dẫn thực hiện các chính sách khuyến khích, ưu đãi doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia hoạt động kinh tế đêm; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện chính sách thương mại và dịch vụ phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh.
 
Rộng cửa phát triển du lịch 
 
Cùng với mục tiêu phát triển các ngành dịch vụ, nâng cao thu nhập cho người dân, kinh tế đêm chính là cách thức gia tăng hoạt động trải nghiệm cho du khách khi đến với Gia Lai. Kinh tế đêm càng được đầu tư sẽ càng kích thích du khách chi tiêu nhiều hơn. 
 
“Gánh” trách nhiệm khá lớn trong vấn đề này là Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Đây là cơ quan được giao chủ trì, phối hợp đề xuất phát triển và hoàn thiện các sản phẩm, loại hình hoạt động, dịch vụ vui chơi, giải trí cụ thể phù hợp với từng khu vực phát triển kinh tế đêm cũng như nhu cầu, thị hiếu của du khách. Mặt khác, Sở có trách nhiệm nghiên cứu, xác định tour, tuyến, điểm, khu du lịch với thời gian lưu trú trung bình 3-4 ngày để có thể khai thác hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ của kinh tế đêm; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tổ chức hoạt động văn hóa-nghệ thuật, vui chơi, giải trí về đêm tại khu vực phát triển kinh tế đêm trên địa bàn tỉnh; xây dựng, quảng bá hình ảnh đẹp, ấn tượng về các điểm đến. 
 

 

Kinh tế đêm càng được đầu tư sẽ càng kích thích du khách chi tiêu nhiều hơn. Ảnh: Văn Ngọc
Kinh tế đêm càng được đầu tư sẽ càng kích thích du khách chi tiêu nhiều hơn. Ảnh: Văn Ngọc

 

Liên quan đến khu vực thí điểm tại suối Hội Phú, ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch nêu một số đề xuất như: trồng cây, hoa tôn tạo cảnh quan tại bờ kè; cầu cảnh quan bắc qua suối cần mang đậm tính biểu trưng để du khách có nơi chụp ảnh check-in… Theo ông Hoàng, kinh nghiệm mà TP. Pleiku nên quan tâm đó là khu vực phố ẩm thực, phố đi bộ tại một số điểm du lịch trong nước đều sử dụng các ki ốt lưu động, cuối giờ được đẩy về một khu vực riêng giúp đường phố luôn thông thoáng, sạch đẹp. Ngoài ra, cần tổ chức các hoạt động thu hút du khách như: văn hóa-văn nghệ, diễn tấu cồng chiêng, các gian hàng bày bán sản vật địa phương… Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đang giao các bộ phận chuyên môn nghiên cứu, tham mưu xây dựng Đề án “Mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm trên địa bàn tỉnh” để trình UBND tỉnh chậm nhất trong quý I-2023. 
 

 

Một quán kinh doanh thức uống ở khu vực bờ kè suối Hội Phú, mang đến sự đa dạng của kinh tế đêm tại TP. Pleiku. Ảnh: Phương Duyên
Một quán kinh doanh thức uống ở khu vực bờ kè suối Hội Phú, mang đến sự đa dạng của kinh tế đêm tại TP. Pleiku. Ảnh: Phương Duyên

 

Ẩm thực truyền thống là một gợi ý hay dành cho “Khu phố đi bộ-chợ đêm suối Hội Phú” khi đi vào hoạt động. Ảnh: Hoàng Ngọc
Ẩm thực truyền thống là một gợi ý hay dành cho “Khu phố đi bộ-chợ đêm suối Hội Phú” khi đi vào hoạt động. Ảnh: Hoàng Ngọc

 

Thể hiện sự đồng tình cao đối với kế hoạch phát triển kinh tế đêm, bà Trần Thị Vân-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thiên Lộc Tourist-cho rằng, đây là cơ hội rất tốt đối với ngành du lịch. Bà Vân chia sẻ: “Thông thường, thời gian du khách lưu trú ở Pleiku ngắn, nhiều nhất là 2 đêm. Theo lịch trình, đêm đầu, Công ty mang đến cho khách trải nghiệm cồng chiêng, lửa trại; đêm thứ 2 khách tự do khám phá thành phố, song dịch vụ ở Phố núi còn thưa thớt. Vì vậy, một khi kinh tế đêm được đầu tư thì chắc chắn sẽ tạo điểm nhấn và thu hút du khách tốt hơn”. 
 
Vừa ghé thăm Gia Lai và một số tỉnh Tây Nguyên, bà Đoàn Thị Tám-du khách đến từ TP. Hải Phòng-cho hay, bà rất ấn tượng với khung cảnh hoang sơ, mộc mạc cùng sự chân tình của người dân nơi đây. Dù vậy, các dịch vụ đêm ở phố núi Pleiku còn thiếu sự đa dạng, hấp dẫn. “Để tổ chức phố đi bộ, ẩm thực tương tự các thành phố du lịch như Phú Quốc, Nha Trang thì không hề đơn giản, nhưng tôi nghĩ vẫn nên xây dựng từ bây giờ để du khách có thêm những trải nghiệm thú vị trong thời gian lưu trú”-bà Tám chia sẻ. Còn du khách Trần Hoài Nam thì nêu quan điểm: Để mô hình này tại Pleiku có “bản sắc” riêng thì nên chú trọng đặc trưng vùng miền trong ẩm thực, sản vật, đa dạng sản phẩm du lịch, tổ chức các sinh hoạt văn hóa đi kèm như trình diễn cồng chiêng.
 

 

PHƯƠNG DUYÊN

Thành Phố Pleiku tổ chức Ngày hội Du lịch kết nối Tuy Hòa - Pleiku năm 2022

Thành Phố Pleiku tổ chức Ngày hội Du lịch kết nối Tuy Hòa - Pleiku năm 2022